SÔNG HƯƠNG - NÉT VĂN HÓA XỨ HUẾ

Sông Hương, một dòng sông đẹp, một dòng văn hoá đậm đà truyền thống của Huế cũng đã ra đời và sẽ chảy mãi đến tận mai sau, chảy vô tận trong tâm hồn nhiều thế hệ.

Sông Hương

Sông Hương, một vẻ đẹp mà không một vùng đất nào có được. Vẻ trầm mặc, trong xanh, thơ mộng ấy đã đi sâu vào lòng người, vào thơ ca, nhạc họa từ bao đời nay. một dòng sông đẹp, sôi nổi với những ghềnh thác đầu nguồn, mềm mại quàng lấy thành phố như một dải lụa, hài hoà tuyệt diệu với thiên nhiên xinh đẹp và hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền chùa; với hàng trăm điệu hò, điệu lý; với những ngày hội vật, hội đua trải, đua ghe; với mảnh vườn và con người xứ Huế, là nguồn cảm hứng vô tận của người nghệ sĩ, thu hút sự say mê của nhiều khách phương xa. Không những là một dòng sông lịch sử, sông Hương còn là không gian văn hoá làm nẩy sinh những loại hình nghệ thuật, những hội hè đình đám, là không gian của thi ca, nhạc hoạ, là dòng chảy để văn hoá Huế luân lưu không ngừng.

Sông Hương

Sông Hương là hợp lưu của hai nguồn Hữu Trạch và Tả Trạch, chảy qua vùng đá hoa cương cuồn cuộn ghềnh thác, đổ dốc từ độ cao 900 mét đầu nguồn Hữu Trạch, 600 mét đầu nguồn Tả Trạch, vượt 55 ghềnh thác của nguồn hữu, 14 ghềnh thác của nguồn tả, chảy qua nhiều vùng địa chất, uốn mình theo núi đồi trùng điệp của Trường Sơn để gặp nhau ở ngã ba Bàng Lãng, êm ả đi vào thành phố, hợp lưu với sông Bồ ở Ngã Ba Sình và dồn nước về phá Tam Giang, đổ ra cửa biển Thuận An.

Sông Hương đẹp ở chỗ nó gần gũi với người dân xứ Huế. Cái duyên đằm thắm, cái tình mặn mà ấy in sâu vào tiềm thức của con người nơi đây. Sông Hương đẹp từ nguồn, dòng chảy êm đềm uốn quanh giữa núi rừng, đồi cây, đi qua các địa danh như  Hòn Chén, Nguyệt Biều, Thiên Mụ…

Sông Hương, một dòng sông đẹp, một dòng văn hoá đậm đà truyền thống của Huế cũng đã ra đời và sẽ chảy mãi đến tận mai sau, chảy vô tận trong tâm hồn nhiều thế hệ.

Sông Hương sôi nổi với những ghềnh thác đầu nguồn, mềm mại quàng lấy thành phố như một dải lụa, hài hoà tuyệt diệu với thiên nhiên xinh đẹp và hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền chùa; với hàng trăm điệu hò, điệu lý; với những ngày hội vật, hội đua trải, đua ghe; với mảnh vườn và con người xứ Huế, là nguồn cảm hứng vô tận của người nghệ sĩ, thu hút sự say mê của nhiều khách phương xa. Không những là một dòng sông lịch sử, sông Hương còn là không gian văn hoá làm nẩy sinh những loại hình nghệ thuật, những hội hè đình đám, là không gian của thi ca, nhạc hoạ, là dòng chảy để văn hoá Huế luân lưu không ngừng.

Sông Hương 3

Có lẽ ngay từ buổi đầu của lịch sử, khi những chiếc thuyền độc mộc lững lờ trôi trên dòng sông cổ xưa, những câu hò mênh mang sông nước cũng đã ra đời, làm sản sinh những điệu mái nhì, mái đẩy da diết của Huế sau này. Âm điệu đặc trưng đó cũng thấm đượm trong những làn điệu lý Huế, ca Huế, âm nhạc truyền thống cung đình Huế và còn  lan mãi đến tận những bài nhạc Huế bây giờ.

Bằng một giai điệu mượt mà, trầm bổng, chậm rãi và khoan thai, điệu hò mái nhì xứ Huế bao giờ cũng ngân nga vang vọng, để rồi chùng xuống, lắng dần với những lời tự tình man mác, trải nỗi buồn dài theo sông nước:

Núi Ngự Bình mơ màng trăng gió

Niềm tâm sự ai thấu rõ cho mình

Đoái nhìn sông Hương nước chảy thanh thanh

Sông bao nhiêu nước, dạ em si tình bấy nhiêu

Biến thể của hò mái nhì, hò mái đẩy không ngân nga sâu lắng mà khoẻ khoắn hơn, nhanh hơn. Câu hò như muốn góp sức giúp thuyền chở nặng vượt qua những quãng sông rộng, những dải đầm phá mênh mông. Nhưng như một định mệnh gắn liền với dòng sông, hò mái đẩy của Huế cũng vẫn da diết buồn:

Thiếp nhớ chàng tấm phên hư, nuột lạt đứt

Chàng nhớ thiếp khi đắng nước, nghẹn cơm

Ba trăng là mấy mươi hôm

Mai nam vắng trước, chiều nồm quạnh sau

Cung bậc trầm lắng, mênh mang sông nước, gây xốn xang lòng người của những điệu hò xứ Huế lại mang đậm âm hưởng xa xôi huyền bí của vùng đất Ô Lý một thời để tạo ra loại ngũ cung Huế- “ngũ cung hơi nam giọng ai”- trữ tình, sâu lắng. Từ những điệu hò da diết trên sông, lối hát giao duyên tự tình Huế- lý Huế- đã ra đời bên dòng sông yên ả, mang đậm dấu ấn những ngữ âm, ngữ điệu rất Huế.

Canh một thơ thẩn vào ra

Chờ trăng, trăng xế, chờ hoa, hoa tàn

Canh hai thắp ngọn đèn loan

Chờ người quân tử thở than đôi lời

Canh ba sương nhuộm cành mai

Bóng trăng em ngỡ bóng ai mơ màng

Canh tư xích cửa then vàng

Một mình vò võ đêm trăng xế lần

Canh năm mê mẩn tâm thần

Đêm tàn, trăng lụn, rạng đông lên rồi.

Lý năm canh, lý hoài nam, lý hoài xuân, lý nam xang, lý vọng phu, lý đoản xuân, lý tương tư, lý hành vân, lý trách ai, lý giao duyên, lý tiểu khúc, lý ngựa ô, lý mười thương, ...những điệu lý Huế vừa mang theo âm hưởng những câu hát giao duyên quen thuộc của miền bắc, vừạ tiếp nhận vô thức âm nhạc sầu não trong dòng nhạc Chămpa đã tiếp tục sinh sôi, nẩy nở, làm phong phú thêm những điệu lý muôn màu muôn vẻ của phương Nam.

Và đến một ngày dòng sông Hương chuyển mình, rộn ràng với những đoàn thuyền ngự của vua chúa, thướt tha với những tà áo dài bồi hồi hương phấn của kinh thành, những điệu lý Huế lại một lần nữa được các nho sĩ, quan lại say mê nghệ thuật trau chuốt nâng niu, lời ca ngày càng thêm mựợt mà, tao nhã, đường nét giai điệu ngày càng uyển chuyển, luyến láy điệu nghệ hơn.

Sông Hương

Từ đó, một hệ thống ca nhạc có tính bác học và cung đình là ca Huế đã ra đời. Dù  vẫn mang âm hưởng đậm đà của những điệu hò, điệu lý, nhưng thang âm và điệu thức của ca Huế đã được nâng cao và phát triển phong phú với hệ thống những điệu Nam, điệu Bắc, hơi dựng, hơi ai; hệ thống nhạc cụ tam tấu: tranh- nhị- nguyệt, tứ tuyệt: tranh- tỳ- nhị- nguyệt, ngũ tuyệt: tranh- tỳ- nhị- nguyệt- tam, lục tuyệt: tranh- tỳ- nhị- nguyệt- tam- bầu, gắn với sáo, kèn, song loan, sanh tiền, trống, tam âm, ... đa dạng, đòi hỏi một lối chơi điệu nghệ, luôn phải tuân thủ những niêm luật nghiêm ngặt về  khúc thức, giai điệu và cung bậc.

Ra đời gắn liền với cung điện, dinh phủ ngào ngạt trầm hương, ca Huế đã trở thành một hình thức âm nhạc thính phòng sang trọng của vùng đất đế đô. Và rồi từ những bến nước kinh thành, trên dòng sông lững lờ thơ mộng, ca Huế lại bước xuống những khoang thuyền để cùng với những tao nhân mặc khách dạo lên những cung đàn, lời ca làm say đắm lòng người.

Hàng chục bài bản ca Huế: Cổ bản, Lộng điệp, Đoản xuân, Lưu thủy, Phẩm tiết, Nguyên tiêu, Hồ Quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã, Nam ai, Nam bình, Nam xuân, Hành vân, Phú lục, Tứ đại cảnh, .... đã dần dần lược bỏ phần lời, tham gia cùng với các bài Đăng đàn cung, Đảo ngũ cung, Ngũ đối thượng- hạ, Long ngâm, Phụng vũ, Xàng xê, Bông man, Cung nam... hình thành hệ thống lễ nhạc cung đình Huế với các dàn khí nhạc được tổ chức đầy tính chuyên nghiệp như Đại nhạc, Nhã nhạc, Huyền nhạc, ... với những nghi thức trình tấu long trọng trong các dịp tế lễ, yến tiệc, hội triều. Lễ nhạc cung đình Huế không chỉ xuất hiện trong cung điện, lăng miếu, đền đài,... mà còn réo rắt trên các đội ngự thuyền của triều đình ngang dọc trên sông Hương.

Không chỉ là không gian làm sản sinh và nuôi dưỡng nghệ thuật diễn xướng truyền thống, sông Hương còn là không gian lễ hội độc đáo của xứ Huế.

Sông Hương

Từ lâu lắm rồi, Dương Văn An trong Ô Châu Cận Lục, viết giữa thế kỷ XVI đã từng mô tả xứ Thuận Hoá là “xuân sang mở hội đua bơi, luạ là chen chúc”, dến nay người dân xứ Huế, nhất là cư dân sống dọc hai bờ sông Hương vẫn còn say mê lễ hội đua ghe, đua trải. Khác với đua thuyền truyền thống ở nhiều nơi, thuyền đua thường tập trung ở điểm xuất phát và tranh nhau bơi về điểm đích, đua thuyền ở Huế- cả đua ghe và đua trải-  đều đặt nhà điều khiển ở ngay trung tâm với những nghi thức long trọng, có trống lệnh, cờ ngũ hành, đôi khi còn có cả dàn nhạc bát âm trống kèn rộn ràng để thúc giục các tay đua. Ghe đua phải xuất phát từ “vè rốn” bơi lên “vè thượng”, tranh về “vè hạ”, liên tục “3 vòng 6 tráo” và lộn quanh “vè rốn” để vào bến khẳng định vị trí của mình. Mỗi đợt “lộn vè” là một đợt tranh chấp căng thẳng, người bơi phải giỏi bọc vè, biết xử lý khôn khéo trong va chạm, tranh chấp. Tương truyền đây là hình thức tập luyện để thuỷ binh gan dạ, dũng mãnh trong chiến đấu của chúa Nguyễn, vua Nguyễn một thời. Đua thuyền ở Huế là một dấu ấn của văn hoá và lịch sử trên sông nước của vùng kinh sư.

Hàng năm sông Hương còn rộn lên với lễ hội điện Hòn Chén vào tháng Ba, tháng Bảy âm lịch. Đây là dịp thiện nam tín nữ thờ cúng Thánh Mẫu Thiên Y A Na, vị nữ thần Bà Mẹ Xứ Sở của Chămpa đã được Việt hoá, kết những chiếc thuyền “bằng”, thiết kế các hình thức thờ phụng Thánh Mẫu, với cờ lễ, khăn áo hầu và điệu hát chầu văn theo sông Hương để đến điện Hòn Chén, ngôi điện linh thiêng nằm sát một vực sâu bên dòng sông Hương, từng được vua Đồng Khánh ban sắc tứ là điện Huệ Nam (ân huệ trời Nam). Mỗi dịp lễ hội là những ngày sông Hương rợp bóng những chiếc bằng, rộn ràng với nhịp phách sôi động của múa hát Chầu văn, nhất là dịp tháng Bảy, lễ hội còn tổ chức trọng thể lễ rước long kiệu, sắc phong của vua và các đồ tự khí về đình làng Hải Cát trên những đoàn thuyền rực rỡ, trang nghiêm, rộn ràng với các cuộc hầu đồng, hát chầu văn và những bộ trang phục đầy sắc màu hội hè.

Ở cuối dòng sông Hương, tại làng Thai Dương, từ xa xưa, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm lễ tế Thai Dương thần nữ đã từng là một quốc lễ được tổ chức trang trọng với lễ tục tắm tượng trên tảng đá thiêng, nhắc nhở về vị nữ thần với cuộc tình bi thảm, cuộc tình giữa hai anh em ruột không còn nhận biết nhau sau những tháng ngày lưu lạc. Và 3 năm một lần, lễ hội cầu ngư từ mồng Mười đến Mười hai tháng Giêng lại diễn ra với nhiều lễ nghi tế tự, đua thuyền sĩ- nông- công- thương, diễn trò bủa lưới bắt cá, cầu mưa thuận gió hoà, thuyền đầy tôm cá của ngư dân vùng ven biển.

Cũng những ngày xuân, mồng Mười tháng Giêng, ngay ở bến nước ngã ba sông Hương, sông Bồ, vào ngày chánh tế ngài khai canh, lễ hội vật võ truyền thống làng Sình lại diễn ra hấp dẫn, dựng lại một hình thức thi đấu vật võ để tuyển binh của vùng đất đế kinh một thời.

Và ngay tại Cồn Hến, vùng đất “tả phù” bên trái kinh thành, nơi sản sinh món cơm hến độc đáo của xứ Huế, hàng năm vào ngày 26 tháng Sáu âm lịch lại diễn ra lễ hội rước hến của làng Cồn Soi, phường Giang Hến nhắc lại sự kiện làng thắng kiện, được vua cho phép đi đãi hến khắp các vùng sông nước. Lễ hội rước hến với những chiếc thuyền trang trí long trọng, thiết kế án thờ, chiêng trống, phường nhạc bát âm toả về hai hướng - đầu nguồn cuối nguồn để tế thần sông và trở về nhà thờ, rước thần khai canh về đình hiệp tế. Lễ tế gắn liền với hình thức diễn trò múa chèo trên cạn, có tiếng trống, tiếng nhạc rộn ràng cùng hoà nhịp.

Cả một vùng sông nước, từ thượng nguồn đến tận cửa biển, những lễ hội truyền thống luôn gắn liền với dòng sông. Và dọc bờ sông, những lễ hội diều Huế, lễ tế tổ ngành tuồng, lễ cầu an, xuân tế, thu tế,.... thường kỳ đã diễn ra, hình thành một lối sống, lối sinh hoạt tâm linh độc đáo mà đặc trưng nhất có lẽ là lễ phóng đăng lung linh trên sông Hương vào những đêm lễ vía, dần dần trở thành lễ hội hoa đăng và những cuộc chơi thả đèn trên sông Hương gắn liền với thú nghe ca Huế đêm đêm, tạo nên một nét rất riêng của dòng sông văn hoá.

Sông Hương còn là không gian của thi ca, nhạc họa và nhiều loại hình nghệ thuật khác. Với thi ca, có người đã ví von có một dòng thi ca về sông Hương, rằng “dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ”. Hầu hết những nhà thơ lớn từng sống ở Huế, từng một vài lần đến Huế đều có những bài thơ hay viết về sông Hương.

Sông Hương

Nguyễn Du, nhà thơ đa cảm, từng sống gắn bó với Huế một thời, trong một mùa thu tới đã thấy mảnh trăng sông Hương gợi lên cả mối sầu muôn thưở

Hương Giang nhất phiến nguyệt

Kim cổ hứa đa sầu

(Thu chí)

 Cao Bá Quát, một kẻ sĩ “bất đắc chí” phải tự giam mình ở chốn đế kinh đã có cái nhìn khác hơn. Với ông, sông Hương không hiện ra với tính chất trữ tình, sầu muộn mà ngược lại, sông dài như kiếm dựng giữa trời xanh, thúc giục trong ông một thái độ phản kháng sau nầy:

Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền

Trường giang như kiếm lập thanh thiên

( Hiểu quá Hương giang)

Vua Thiệu Trị, cũng là một nhà thơ, nhưng là nhà thơ thiên tử ngự trị trên ngai vàng, mỗi bài thơ là một bài “ngự chế”. Tổng kết những danh thắng của chốn kinh sư, nhà vua đã có “Thần kinh nhị thập cảnh”, sông Hương buổi sáng sớm không những là một cảnh đẹp mà còn là một nhánh nguồn sâu thẳm bảo vệ kinh thành

Nhất phiến uyên nguyên hộ đế thành

( Hương giang hiểu phiếm)

Với Hàn Mặc Tử, sông Hương lại gắn với thôn Vĩ, với những hàng cau và ngôi vườn xanh mướt lúc nắng lên, và khi đêm xuống, sông Hương trở thành một dòng sông trăng:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chỡ trăng về kịp tối nay

( Đây thôn Vĩ )

Văn Cao, trong một đêm đàn lạnh trên sông Hương thưở nào đã không thể quên  hình ảnh của một vạt áo xanh tri âm, tri kỷ:

Em cạn lời thôi anh dứt nhạc

Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh

Một đêm đàn lạnh trên sông Huế

Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh

(Một đêm đàn lạnh trên sông Huế)

Cũng trên dòng sông đó, với trời trong veo, nước trong veo, nhưng Tố Hữu, con chim đầu đàn của thi ca cách mạng Việt Nam, thưở đất nước còn chìm trong đêm dài nô lệ đã xót thương cho thân phận của những cô gái trên sông:

Tình ơi gian dối là tình

Thuyền em rách nát còn lành được không?

- Răng không cô gái trên sông

Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài

Thơm như hương nhuỵ hoa lài

Sạch như nước suối ban mai giữa rừng

(Tiếng hát sông Hương)

 

Số phận của dòng sông cũng gắn liền với số phận của lịch sử, số phận của một vùng văn hoá. Đến một ngày sông Hương lại an lành, trở về với nguyên dạng một dòng sông trong xanh, sạch bóng quân xâm lược. Sông lại chảy rất sâu vào lòng người như Thu Bồn đã nhận ra:

Con sông dùng dằng con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

(Tạm biệt)

Trở về với dáng vẻ muôn đời, như núi Ngự, sông Hương vẫn cùng đi với Huế mà nhà thơ tiên cảm Bùi Giáng đã khẳng định:

Rằng thưa xứ Huế bây giờ

Ngự Bình vẫn đứng bên bờ sông Hương

v.v....

Con sông đó đã từ thơ vào với nhạc, với hoạ, với đời sống văn hoá muôn vẻ của Huế một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không chút gượng ép. Bài tình ca đầu tiên về Huế của Nguyễn Văn Thương viết từ năm 1936, cũng là tình khúc hiện đại sớm nhất của Việt Nam, bài hát đã gắn ngay với sông Hương: ”Trên sông Hương”. Từ đó, những bài hát về Huế không thoát nổi những ám ảnh của dòng sông xanh chở đầy tiếng ca này. Lần lượt là “Tiếng sông Hương” của Phạm Đình Chương, “Hương giang còn tôi chờ” của Châu Kỳ, “Nhắn về sông Hương” của Minh Kỳ, “Thành phố bên bờ sông Hương” của Tân Huyền, “Dòng sông ai đã đặt tên” của Trần Hữu Pháp, “Người sông Hương” của Hồng Đăng, “Dòng sông em đã mang tên” của Phạm Trọng Cầu, “Chiều thu bên sông Hương” của Thế Bảo, “Sông Hương” của Xuân Cửu, “Mơ sông Hương” của Hà Chí Hiếu, “Chiều sông Hương” của Vĩnh Phúc, “Có một dòng sông” của Trần Hữu Dàng, “Lời ru dòng sông” của Lê Phùng, v.v... và cho dù không nhắc đến sông Hương trong tiêu đề thì hầu như những tình khúc đã hát về Huế là hát về sông Hương:

 

"Hoàng hôn rơi ngơ ngẩn hàng thuỳ dương. Lạnh lùng trong bóng chiều dòng sông Hương"       

(Khúc tình ca xứ Huế- Trần Đại Mỹ)

"Hàng cây soi bóng nước Hương, thuyền xa đậu bến Tiêu Tương lưu luyến thay phút say hương dịu buồn"   

(Đêm tàn Bến Ngự- Dương Thiệu Tước)

"Ngày mai lênh đênh trên sông Hương. Theo gió mơ hồ hồn về đâu sông sâu"    

(Gợi giấc mơ xưa- Lê Hoàng Long)

"Một chiều lang thang bên dòng Hương giang, tôi gặp một tà áo tím, nhẹ thấp thoáng trong nắng vương"   

(Tà áo tím- Hoàng Nguyên)

- v.v....

 

Cả những khi không cần nhắc tên dòng sông, không nhắc đến Huế, nhưng câu ca vẫn nói về dòng Hương giang:

"Tiếng đàn xao xuyến, phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền, mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền.

Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời"   

(Thiên thai- Văn Cao).

"Em đi qua chuyến đò, lắng nghe con sông nằm kể, trăng ơi trăng rất tệ, mày đi nhớ chóng về"    

(Biết đâu nguồn cội- Trịnh Công Sơn)

Con sông nhẹ như thơ, như nhạc cũng đã đi vào tranh, vào ảnh, vào những tác phẩm mỹ thuật, mỹ nghệ với những sắc màu lung linh và đường nét gợi cảm. Cũng bởi thế mà tranh vẽ về sông Hương, ảnh ghi lại những phút giây vô thường của dòng sông nầy cũng là những tác phẩm đắc ý của nhiều tác giả.

Vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình của sông Hương còn gắn liền hài hoà với kinh thanh, lăng tẩm, đền chùa, với các công trình kiến trúc và những mảnh vườn xanh tươi của xứ Huế. Ven hai bờ sông Hương, một dãy kinh thành cổ kính với các toà Nghinh Lương đình, Phu Văn lâu, Thương Bạc đình và các cửa thành thâm nghiêm, gắn kết với những cung điện thấp thoáng trên bờ, với hệ thống lăng tẩm kiến trúc xinh xắn của các bậc vua chúa, với chùa Linh Mụ, điện Hòn Chén, đồi Vọng Cảnh, gò Long Thọ một thời trầm mặc soi bóng xuống dòng sông.

Con sông nửa thực nửa mơ nhưng đã làm nên thần thái của Huế. Có ai đó - hình như là Nguyễn Tuân - đã từng đưa ra một câu hỏi tàn khốc” Giả như Huế không còn sông Hương”. Chỉ “giả như” thôi mà đã làm rúng động lòng người. Không cần phải đến lúc dòng sông mất đi, chỉ cần những ngày dòng sông vẩn đục bất thường thì từ trên những trang văn, trang báo đã bàng hoàng lên tiếng báo động “ Ai cứu lấy dòng sông Hương?” và cả trên trang thơ cũng ngậm ngùi:

Thuyền chao chạnh bao ngày sông bệnh

Để rồi lại reo vui

Dòng Hương giang chớm mùa xanh lại

Nghe niềm vui chan chứa đôi bờ

(Chiều cuối năm- Lê Hương Huyền)

Mà quả thật chỉ cần giữ cho dòng sông trong xanh, cài lên dòng sông “một chiếc lược ngà sáu vài mười hai nhịp” là sông Hương với cầu Trường Tiền duyên dáng sẽ trở thành một biểu tượng về Huế, về một vùng văn hoá đậm chất thơ, chất nhạc, chất lễ hội.

* Và Huế dang chuyển mình từ một cố đô thành một thành phố Festival. Vẫn dáng xưa trầm mặc, vẫn hiền hoà trang nhã, nhưng sẽ không phai những nét sang trọng của vùng đất kinh kỳ văn vật. Đêm đêm, Huế lại thắp lên những ngọn nến huyền ảo, thả xuống dòng sông để đèn hoa cùng trôi theo tiếng đàn, tiếng hát. Đêm đêm cầu Trường Tiền bắc qua dòng sông lại tô thêm những mảng sáng nghệ thuật, tạo thêm cho sông Hương một vẻ lấp lánh tân kỳ. Và đã bừng lên trong một mùa lễ hội- Festival Huế 2002- sông Hương, với cầu Trường Tiền đã vươn dậy, trải lên mình lớp lớp những chiếc chiếu hoa, biến thành một sân khấu nghệ thuật hoành tráng, nâng lấy bước đi của hàng trăm nữ sinh xứ Huế, với vô vàn những chiếc áo dài đầy sắc màu lung linh tuôn chảy để tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ  Việt Nam, làm thăng hoa hình ảnh chiếc áo dài độc đáo đã sản sinh từ xứ Huế

Cao điểm trong những lễ hội của Huế còn là những đêm Hoa đăng lấp lánh thuyền hoa, đèn hoa, pháo hoa... thắp sáng cả dòng sông Hương, sáng cả đôi bờ, tạo ra một Huế lung linh huyền ảo về đêm. Với hàng vạn chiếc đèn hoa thả xuống dòng sông, người Huế mong muốn gởi theo những ước nguyện tốt đẹp, cầu chúc vạn sự an lành.

Cùng với dòng sông Hương, một dòng văn hoá đậm đà truyền thống của Huế cũng đã ra đời và sẽ chảy mãi đến tận mai sau, chảy vô tận trong tâm hồn nhiều thế hệ.

Sông Hương 5

Sông Hương có một vị trí quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Huế. Khi vào trấn thủ xứ Thuận – Quảng, chúa Nguyễn Hoàng bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc của sông Hương, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Người dân địa phương cho biết đây là đồi Hà Khê, đêm đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Tin vào lời sấm truyền đó, năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương đặt tên là chùa Thiên Mụ, mở ra sự cai trị của nhà Nguyễn với 9 chúa, 13 vua. Chùa Thiên Mụ bên dòng sông Hương cũng đã trở thành một biểu tượng tâm linh của người dân xứ Huế.

Và còn có thể kể đến điện Hòn Chén trên núi Ngọc Trản, đây là nơi thờ cúng của Thiên Tiên Thánh giáo, tín ngưỡng sông nước đặc trưng của người Huế. Thiên Tiên Thánh giáo là tín ngưỡng không kinh điển cùng luật lệ chính thức. Sinh hoạt của tín đồ Thiên Tiên Thánh giáo mang tính tự phát, tự túc, tự nguyện. Dăm bảy hoặc vài chục người họp thành “phổ”, cứ đến ngày 14, rằm, 30, mùng 1 âm lịch mỗi tháng thì các tín đồ tới một am miễu nhất định để dâng lễ, cúng cầu, hầu giá. Họ chỉ cữ kiêng vài loại thực phẩm vì “ăn sợ mắc tội” như thịt chó, thịt trâu, bồ câu, cá chép. Tín ngưỡng này còn có nghi thức khá độc đáo là lên đồng.

Dân gian còn lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc” vì vua Minh Mạng trong một lần lên đây đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng sông Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. Và Ngọc Trản, nơi có điện Hòn Chén, cũng là một ngọn núi cheo leo bên bờ vực thẳm – chỗ sâu nhất của dòng sông Hương. Năm 1886, vua Ðồng Khánh cho xây lại điện Hòn Chén và đổi tên là Huệ Nam Ðiện để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu Thiên Y A Na đã cho mình làm vua. Và vua đã đưa cuộc lễ hằng năm tại đây vào hàng quốc lễ, tự nhận mình là đồ đệ của Thánh Mẫu. Vì lễ hội quan trọng nhất của tín ngưỡng này là lễ hội điện Hòn Chén được tổ chức vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch (xuân thu nhị kỳ). Vào dịp này, trên sông Hương xuất hiện hàng chục chiếc bằng nối đua nhau trải dài xa tít tắp. Bằng là hai chiếc đò ghép lại với nhau liên kết với nhau bằng những tấm ván lót nằm ngang, tạo nên một mặt bằng rộng rãi. Trước bằng, người ta treo biển đề tên am, tên phổ, chẳng hạn: Kim Đồng Tiên Nữ, Thiên Thai Thuỷ Cảnh, Đài Minh Cảnh, Linh Sơn Điện, Linh Dược Điện, Tân Đức Điện, Hoằng Hoá Điện, Sòng Sơn Vọng Từ… Tất cả đều ngược dòng Hương để cùng tới điểm hẹn linh thiêng là điện Hòn Chén.

Bên cạnh đó, cơm hến, món ăn nổi tiếng nhất của Huế có xuất phát từ tầng lớp bình dân vùng cồn Hến ven sông Hương lúc xưa, có thời từng được tiến vua, trở thành món ăn cung đình. Hiện nay, món ăn này không những rất được ưa chuộng đối với cư dân địa phương mà đối với du khách cũng rất lạ miệng khi thưởng thức. Đây cũng là món ăn dễ tìm kiếm khi du khách đến thăm Huế.

Sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An đã miêu tả cồn Hến là “một cù lao xinh đẹp” trên dòng sông Hương. Trong Dịch lý của kiến trúc kinh thành Huế xa xưa, nơi này được đặt tên là “Tả Thanh Long”. Lúc đầu, người dân ở đây sống bằng nghề soi cá, tôm ban đêm. Cách đây 200 năm, dưới thời Gia Long, vì nhà nghèo, chồng lại ngày đêm đi bắt cá tôm nên một người đàn bà họ Huỳnh đã phải cặm cụi ra bờ sông mò bắt hến bằng tay. Mỗi buổi sáng sớm, khi chưa bắt được tôm cá, hai vợ chồng bà đành ăn cơm nguội với hến bắt được từ sớm tinh mơ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu rả rất đúng khi cho rằng: “Món cơm nguội với những con hến nhỏ lăn tăn làm sốt ruột người chế biến món ăn, gọi là cơm hến”. Khó có ai bây giờ có thể tưởng tượng ra cảnh hai vợ chồng nghèo, chưa biết lấy gì bỏ vào bụng buổi sáng sớm để làm việc nặng nhọc suốt ngày lại có một món ăn thơm ngon đến như vậy thì sung sướng, hạnh phúc đến dường nào!

Món ăn dân dã này sau đó đã phát tán ra khắp cồn Hến. Và tầng lớp dân nghèo ở Huế bắt đầu làm quen với món ăn mới, mộc mạc này. Có cầu thì sẽ có cung, nghề cào, xúc hến, đãi hến và chế biến hến ra đời. Đến đời Thiệu Trị, con hến đã được bán nhiều ở khắp các chợ vùng kinh đô Huế và trở thành món ăn ưa thích của nhiều người. Dưới thời vua Thành Thái, bà Nguyễn Thị Thẹp đến cào hến tiến vua tại Cồn Hến, được vua phong hiệu và lập ra Phường Hến. Món cơm hến cũng được đưa vào cho vua thưởng thức. Từ đó, cơm hến Cồn Hến trở thành phẩm vật cung đình mỗi dịp lễ Tết. Có thể nói, đoạn sông Hương chảy qua cồn Hến trong vắt, ít phù sa và chất phèn, đáy sông lại có một lớp bùn sâu tích tụ nên rất thích hợp cho loài hến sinh sôi, nảy nở. Vì vậy, mặc dù hến có khắp nơi ở Huế và nhiều địa phương khác nhưng có lẽ ngon nhất vẫn là ở cồn Hến. Bởi thế, nhà thơ Tố Hữu đã viết rằng: “Bữa mô mời quý khách vô chơi Huế. Cồn Hến buồm giăng ngược Bến Tuần”.

Bên cạnh đó, ngao du trên miền sông nước cũng là một thú vui tao nhã của du khách khi đến Huế. Đã từ rất lâu, thuyền Rồng đã trở thành một nét đặc trưng của du lịch Huế. Thời nhà Nguyễn, thuyền Rồng là phương tiện đi lại trên sông nước chỉ dành cho nhà vua. Tuy nhiên, ngày nay thuyền Rồng đã được phục chế một phần và trở thành một phương tiện độc đáo đưa đón du khách thăm các danh lam thắng cảnh của Huế như chùa Thiên Mụ, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén… Nét đặc sắc của thuyền rồng Huế là khi bước vào không gian cổ xưa này du khách sẽ có dịp hưởng thụ ca đàn Huế và đi tìm cái đẹp của sông nước Hương giang đầy thơ mộng. Không chỉ thuyền Rồng mà các con thuyền khác ở Huế cũng đầy nét thơ mộng. Do đó, trong bài thơ “Tiếng hát sông Hương” của Tố Hữu: “Trên dòng Hương giang. Em buông mái chèo. Trời trong veo. Nước trong veo”. Còn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” đã viết: “Dòng sông như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược nhỏ bé vừa bằng con thoi”.

Và một chiều lãng du bên dòng Hương giang, du khách bất chợt bắt gặp một tà áo dài trắng tinh khôi, một mái tóc thề, một tiếng dạ thưa “ngọt lịm ai mê say” hẳn không khỏi bâng khuâng, nuối  tiếc,  nhớ  nhung khi xa Huế. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Câu thơ này có lẽ hợp nhất khi nói về Huế, một xứ sở của những o nữ sinh với nét “dịu dàng pha lẫn trầm tư” được kế thừa từ văn hóa từ sông Hương.

Theo Phật giáo thì trái tim con người giống như đoá sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đoá sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên toà sen. Do đó, chương trình Phật Đản ở Huế cũng bắt đầu từ Lễ thắp sáng bảy đoá hoa sen trên sông Hương tượng trưng cho bảy bước đi thanh tịnh của Đức Phật. Sông Hương là vậy, nó là mạch nước tinh khiết khiến cho cuộc đời nở hoa.

Hiện nay, sông Hương còn được điểm xuyết bởi một đoá sen khổng lồ là Nhà hàng nổi Sông Hương. Ra đời vào năm 2012, đây là nhà hàng duy nhất ở Huế toạ lạc trên dòng sông Hương êm đềm, lại nằm cạnh bên cầu Trường Tiền thơ mộng nên vẻ đẹp của đoá sen khổng lồ này càng trở nên hài hòa như một bức tranh thủy mặc. Đặc biệt, nếu du khách ngồi ở đây mà ngắm mưa Huế thì thật tuyệt vời!

Cũng trong năm 2012, tại Trung tâm Du lịch trải nghiệm “Huế Xưa – Huế Nay”, một chiếc nón bài thơ khổng lồ toạ lạc trên cồn đất bồi tự nhiên bởi dòng chảy từ thượng nguồn sông Hương đổ ra biển, bên cạnh Đập Đá, Cồn Hến cũng đã được khánh thành. Đến với Trung tâm Du lịch trải nghiệm “Huế Xưa – Huế Nay” du khách sẽ được sống trong không gian văn hóa làng nghề, xem biểu diễn võ thuật cổ truyền triều Nguyễn, thưởng thức ca Huế cổ, được hướng dẫn tự chế biến và cảm thụ các món ăn dân gian trong kho tàng nghệ thuật ẩm thực xứ Huế.