Bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa, có ngôi làng Kon Klor xinh xắn, tràn ngập màu xanh, thấp thoáng những ngôi nhà sàn còn giữ nguyên vẹn kiến trúc Ba Na độc đáo với màu gỗ nâu trầm, những chi tiết trang trí ấn tượng. Kon Klor không chỉ có khung cảnh thanh bình mà còn có tiếng với tài năng dệt thổ cẩm và rượu ghè thơm ngon.
Bước đến làng Kon Klor điều du khách ấn tượng đầu tiên là ngôi làng được bao phủ bởi một màu xanh ngút ngàn, xanh bắt đầu từ những cây me dọc đường đi, đến bãi mía, vườn rau,…Đây là một trong những ngôi làng của người Ba Na vẫn còn lưu giữ kiến trúc độc đáo và nghề thủ công truyền thống, rất đáng để quý khách bước đến thăm quan một lần. Theo tiếng Ba Na, Kon là “làng”, còn K’lor là “gòn rừng” - một loại cây thân cao to, da xanh láng, trái thuôn dài. Cứ vào khoảng tháng Ba, trái khô nở bung, bông bên trong ruột tách ra, bay tung khắp trời trắng xóa. Làng Kon Klor có nghĩa là “làng gòn rừng” vì trước đây quanh làng có rất nhiều cây gòn rừng mọc hoang, nay chỉ còn sót lại vài cây mọc rải rác quanh những ngôi nhà sàn.
Trong làng, có rất nhiều ngôi nhà sàn mang dáng dấp kiến trúc Ba Na cột bằng gỗ chắc chắn, gầm cao, trang trí hoa văn tỉ mỉ. Nhà rông Kon Klor được xây dựng trên một vị thế rất đẹp, trước mặt là con đường Trần Hưng Đạo thẳng tắp, rộng thênh thang, bên phải là cầu treo xinh đẹp, xung quanh những ruộng mía xanh ngút ngàn. Nhà rông được thiết kế theo kiểu truyền thống với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá với những hoa văn, họa tiết rất công phu. Những nghệ nhân người làng Kon Klor đã phối hợp rất ăn ý, để giữ gìn được nét đặc trưng của mình trên Nhà rông. Mái Nhà rông Kon Klor cao vút, vững chãi, là điểm tựa cho hồn làng, vừa là niềm tự hào của những nghệ nhân người Ba Na. Bên cạnh Nhà rông là Cầu treo Kon Klor - chiếc cầu nối đôi bờ sông Đăk Bla huyền thoại, như một nét điểm xuyết duyên dáng cho phong cảnh nơi đây.
Thời khắc đẹp nhất của chiếc cầu này là những buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời như một trái cầu lửa đang bốc cháy, ánh sáng tỏa loang loáng trên dòng sông rộng mênh mông. Đứng trên thành cầu nhìn ra xung quanh, chỉ một không gian rộng mênh mông bát ngát, thấy mình thật nhỏ bé trước núi rừng trập trùng trước mắt…
Nhà rông được coi là biểu tượng văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên, thể hiện giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống đồng bào nơi đây.
Mái nhà rông là mái ép, phía dưới mái uốn cong vào phía trong, hai đầu hướng ra ngoài như lưỡi rìu
Không phải dân tộc nào ở Tây Nguyên cũng có nhà rông. Công trình kiến trúc đặc trưng này xuất hiện nhiều tại các buôn làng người dân tộc khu vực phía bắc Tây Nguyên, đặc biệt ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Phía nam Tây Nguyên từ Ðắk Lắk trở vào, nhà rông xuất hiện thưa thớt dần. Đồng bào ở khu vực này thường làm nhà dài mang ý nghĩa cộng đồng. Cùng thuộc dân tộc Gia Rai ở phía bắc Tây Nguyên nhưng nhóm đồng bào Gia Rai Chor và Gia Rai Mthur không xây dựng nhà rông, chỉ có ở nhóm đồng bào Gia Rai trên cao nguyên Pleiku và người Bana mới làm kiểu nhà này
Nhà rông là không gian sinh hoạt cộng đồng lớn nhất mỗi làng; nơi người dân trao đổi, thảo luận về các lĩnh vực hành chính, quân sự; nơi thực thi các luật tục, bảo tồn truyền thống và diễn ra những nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng. Nếu tham quan một ngôi nhà rông, du khách có thể dễ dàng thấy những hiện vật gắn liền với lễ hội như cây nêu được trang trí tỉ mỉ, khoanh đất đốt lửa trại trước nhà, nhiều loại nhạc cụ như cồng chiêng, các bình rượu cần được xếp dọc bên bếp lửa.
Nhà rông không phải nhà dùng để lưu trú của đồng bào Tây Nguyên. Mặc dù có kết cấu và vật liệu tương tự nhà sàn dùng để ở (được xây dựng bằng gỗ, tre, cỏ tranh...), nhà rông mang các nét kiến trúc đặc sắc và cao, rộng hơn nhiều. Dải họa tiết trang trí dài dọc theo nóc nhà rông là một điểm dễ thấy mà nhà sàn không có. Nhà rông càng cao và rộng thì càng thể hiện sự giàu có, thịnh vượng, sung túc, hùng mạnh của làng.
Đồng bào Tây Nguyên quan niệm nhà rông là nơi thu hút khí thiêng của đất trời để bảo trợ cho dân làng. Do đó trong mỗi nhà rông đều có một nơi trang trọng để thờ các vật được người dân cho là thần linh trú ngụ như con dao, hòn đá, sừng trâu... Ngoài ra, nơi này còn như một bảo tàng lưu giữ các hiện vật truyền thống gắn liền với lịch sử hình thành buôn làng như cồng chiêng, trống, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong ngày lễ.
Nhà rông là nơi quan trọng nhất làng nên đàn ông trong làng phải thay nhau ngủ qua đêm tại đây để trông coi. Một số làng làm đến hai nhà rông: "nhà rông cái" nhỏ và có mái thấp dành cho phụ nữ, "nhà rông đực" dành cho đàn ông có quy mô lớn hơn và trang trí công phu. Ngoài mục đích gìn giữ không gian thiêng, nhà rông là nơi người dân trao đổi những câu chuyện, kinh nghiệm trong đời sống. Nam nữ độc thân trong làng có thể quây quần tại nhà rông để thăm hỏi, tìm quý khách đời, tuy nhiên không đi được phép đi quá giới hạn.
Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên có kiểu làm nhà rông khác nhau. Kích thước nhà rông nhỏ và thấp nhất là của người Giẻ Triêng. Nhà rông của người Xê Ðăng cao vút. Nhà rông của người Gia Rai có mái mảnh, dẹt như lưỡi rìu. Nhà rông của người Ba Na to hơn nhà Gia Rai, có đường nét mềm mại và thường có các nhà sàn xung quanh. Điểm chung của các ngôi nhà rông là được xây cất trên một khoảng đất rộng, nằm ngay tại khu vực trung tâm của buôn làng.
Sàn nhà rông được thiết kế gắn liền với văn hóa quây quần uống rượu cần của đồng bào. Sàn thường được làm từ ván gỗ hay ống tre nứa đập dập, khi ghép không khít nhau mà các tấm cách nhau khoảng 1 cm. Nhờ thế mà khi người dân tập trung ăn uống, nước không bị chảy lênh láng ra sàn. Mặt khác, kiểu sàn này giúp cho việc vệ sinh nhà dễ dàng hơn.
Cầu thang nhà rông thường có 7 đến 9 bậc, tuy nhiên mỗi dân tộc lại có trang trí khác nhau. Trên thành và cột của cầu thang, người Gia Rai hay tạc hình quả bầu đựng nước, người Bana khắc hình ngọn cây rau dớn, còn người Giẻ Triêng, Xơ Đăng thường đẽo hình núm chiêng hoặc mũi thuyền.
Nếu như mái đình miền xuôi gắn liền với hình ảnh cây đa, thì nhà rông Tây Nguyên có cây nêu. Cây nêu được trang trí nhiều họa tiết, đặt ở phía trước sân chính giữa của ngôi nhà rông để phục vụ các lễ hội lớn của buôn làng. Theo quan niệm của đồng bào Gia Rai, cây nêu là nơi hội tụ các vị thần linh. Ở từng lễ hội, cây nêu mang một hình ảnh biểu tượng khác nhau như cây nêu trong lễ đâm trâu có 4 nhánh, lễ mừng lúa mới cây nêu chỉ có 1 nhánh...
Nhà rông chỉ gắn với buôn làng, không có nhà rông cấp tỉnh, cấp huyện hoặc nhà rông chung nhiều làng. Hiện nay, nhà ở của người dân được xây tiện nghi hơn nhưng nhà rông truyền thống luôn được gìn giữ tại trung tâm làng. Do đó để tham quan nhà rông, du khách cần tìm đến các buôn làng của đồng bào. Một số địa điểm buôn làng có nhà rông hiện nay là nhà rông Kon Klor ở thành phố Kon Tum, làng Plei Phung, làng Kon So Lăl (huyện Chư Pah) và làng Đê K'tu (huyện Mang Yang) ở Gia Lai.
Tuy gần ngay trung tâm thành phố nhưng làng Kon Klor vẫn giữ nguyên được những nét đẹp truyền thống của người Ba Na. Nhận thấy việc trình diễn cồng chiêng là nét văn hóa đặc trưng, được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới, nên làng đã sớm kén người, chọn nhạc cụ, thành lập đội nam cồng chiêng một đội nữ múa xoang để phục vụ trong các dịp lễ hội. Không chỉ phục vụ dân làng trong các dịp lễ hội mà đội chiêng và đội xoang còn được nhiều cơ quan, đơn vị mời đi biểu diễn phục vụ trong các dịp lễ hội hay phục vụ khách du lịch. Đến làng Kon Klor trong không khí nhộ nhịp của lễ hội, hòa vào đêm cồng chiêng rộn rã, nhất định quý khách phải thử rượu ghè của làng. Rượu ghè Kon Klor chế biến theo phương pháp thủ công, đúng các quy trình làm rượu truyền thống, nên hương vị đậm đà, giữ nguyên chất men say từ núi rừng. Ngoài các nguyên liệu thông thường để làm rượu như ngô, sắn, gạo,…còn có rượu được làm từ cây gào (cây kê) - loại rượu công phu nhất, quý nhất, thơm ngon nhất. Các loại rượu ghè thông thường được trong nhiều dịp, thậm chí là ngày thường nhưng rượu gào chỉ được sử dụng khi có lễ lớn và không phải nhà nào cũng có được.
Cây gào được bà con trồng trên nương rẫy vào tháng tháng 4, tháng 5, đến tháng 10 thì vừa kịp chín. Bà con chọn cắt bông chín đều, gùi về, đập hạt, phơi khô, sàng sảy sạch rồi cất vào nơi khô thoáng để dành nấu rượu. Để có một ghè rượu gào đúng tiêu chuẩn thơm ngon, để cả năm không hỏng đòi hỏi ở người làm rất nhiều công sức và cả sự thành tâm. Hạt gào trước khi đem nấu rượu phải được ngâm nửa ngày, đãi sạch cám rồi cho vào nồi nấu chín thành cơm. Rải đều cơm gào ra nia rộng cho nguội hẳn, sau đó đem men từ lá cây rừng trộn vào, thêm cả ớt, riềng, tiêu rừng nghiền nhỏ. Những nghệ nhân làm rượu lâu năm cho biết, bí quyết để có ghè rượu thơm ngon đặc biệt, có dư vị ngọt ngào thì thêm nửa bát nếp đỏ hoặc nếp trắng đã nấu chín, đánh tơi nguội. Tất cả trộn đều theo phơi khô chừng 3 ngày nắng rực thì trút vào ghè, vặn chặt lại cất vào góc nhà, chừng hơn 1 tháng sau mới uống được.
Thổ cẩm cũng là một mặt hàng thủ công nổi tiếng của làng Kon Klor xinh đẹp, những mặt hàng được du khách ưa thích nhất là: váy áo, túi xách, tấm đắp, tấm choàng. Đến làng, quý khách rất dễ bắt gặp những cô gái Ba Na da ngăm nâu, khỏe mạnh, duyên dáng, đang ngồi chăm chỉ bên khung cửi, khéo léo đưa từng sợi chỉ. Thổ cẩm làng Kon Klor có hoa văn tinh tế, đường nét mềm mại và màu sắc hài hòa chứ không quá rực rỡ, phô trương như kiểu thổ cẩm dệt công nghiệp.
Nhờ đó mà làm nên cái duyên riêng cho những cô gái khi khoác trên mình những vật dụng từ thổ cẩm. Hiện nay, thổ cẩm của làng không chỉ phục vụ cho bà con mà còn được nhiều thương lái từ thành phố Hồ Chí Minh tìm về mua với số lượng lớn. Quý khách cũng có thể tìm những đồ lưu niệm nhỏ xinh như nhà rông, đàn t’rưng, gùi…Dù vật dụng bé nhỏ nhưng đã được những nghệ nhân Ba Na thổi hồn vào, tuy mộc mạc nhưng chứa đựng cả không gian sống của người làng Kon Klor hiền hòa, dễ mến.
Một lần đến Kon Klor quý khách sẽ nhớ mãi ngôi làng bé xinh, thanh bình, nhớ chiếc cầu treo lấp lánh nước mỗi buổi chiều tà, nhớ Nhà rông uy nghiêm, vững chãi, nhớ hình ảnh những cô gái chàng trai Ba Na tươi cười, …Và tình yêu thương sẽ còn đọng mãi, đọng mãi như lời bài hát "Chiều qua cầu treo Kon Klor"của nhạc sỹ Lê Minh Thế: "Chiều trên bến sông Kon Klor, nước xanh một màu thương nhớ, có ai về bên kia đó, chìm trong bóng núi xanh lơ. Chiều lên bến sông Kon Klor, tiếng ai trên cầu treo đó, hay tiếng nước reo mạn đò? Chiều qua cầu treo Kon Klor, bỗng thương một vùng quê nhỏ, cầu nối đôi bờ tuổi thơ. Thôi, buồn chi nhé, con đò”