KHUN JU NỐP - HUYỀN THOẠI TÂY NGUYÊN

Ama Kông (nghĩa là cha của đứa con đầu lòng có tên là Kông), đó là cách gọi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tên thật của ông là Y Prông Êban, sinh năm 1909 nhưng trong thẻ chứng minh nhân dân ghi sinh năm 1917

vua săn voi

Nói đến Bản Đôn, Đăk Lăk là người ta nghĩ đến voi. Con voi đã làm nên những giá trị văn hóa độc đáo liên quan đến nó: “văn hóa voi”. Và cũng không thể không nhắc tới những huyền thoại kỳ thú về “vua săn voi” Khun Ju Nốp.

      Ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk hiện có một khu nghĩa địa nhỏ với những ngôi mộ được xây cất “hoành tráng” nằm trong một khu rừng thưa, bên cạnh con đường mòn đã được lát ximăng. Khu nghĩa địa này đặc biệt ở chỗ: không phải người nào trong vùng khi khuất núi cũng được an táng ở đây, bởi nó chỉ dành riêng cho những Gru (dũng sỹ săn voi) nổi tiếng của Bản Đôn. Mộ của “vua săn voi” Khun Ju Nốp nằm ở vị trí trung tâm khu nghĩa địa cũng chứng tỏ được đẳng cấp của ông trong số những Gru nổi tiếng của Bản Đôn. Khu mộ vừa mới được xây một lớp tường bê tông kiên cố bảo vệ bao quanh do có nhiều kẻ xấu thường vào khu mộ gia đình đào trộm, mang đi những bức tượng nhà mồ bằng gỗ quý.

      Theo già Ama Kông, cháu ngoại của Khun Ju Nốp, “vua săn voi” tên thật là Y Thu K’nul. Ông sinh năm 1828, mất năm 1938, thọ 110 tuổi. Ông là một trong những người quan trọng nhất khai phá và sáng lập ra Bản Đôn cùng nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng (Bản Đôn là cách gọi của người Lào, còn người Êđê gọi là Buôn Đôn). Khi còn sống, ông là người có ảnh hưởng lớn nhất, có tiếng nói quan trọng nhất trong cộng đồng các dân tộc Êđê, M’nông, J’rai, Lào cùng chung sống ở vùng Bản Đôn.

vua săn voi 1

Sinh thời, “vua săn voi” săn bắt được hơn 400 con voi, trong đó có nhiều con voi đực 1 ngà. Đặc biệt, ông săn được con voi đực màu trắng. Theo luật tục, chỉ có các bậc vua chúa mới được sử dụng voi trắng nên ông đem con voi này biếu cho vua nước Xiêm La và được ông vua này phong tặng danh hiệu Khun Ju Nốp – nghĩa là “vua săn voi”. Từ đó, ông trở thành “vua săn voi” của Bản Đôn. Cho đến nay, không một Gru nào ở Bản Đôn vượt qua được ông về số lượng voi săn được và cả về số voi quý (voi trắng, voi một ngà).

Danh xưng “Vua voi Khunjunop” mà người ta phong cho ông không phải xuất phát từ việc ông đã săn bắt, thuần dưỡng được trên 400 con voi rừng. Từ Khunjunop ở đây mang một ý nghĩa hoàn toàn khác: Khunjunop không phải là người trực tiếp săn bắt, thuần dưỡng voi. Tên thật của ông là Y Thu K’nul. Xưa kia ông là một tù trưởng uy tín, giàu có bậc nhất Tây Nguyên (được tôn sùng là Vua Tây Nguyên) sở hữu rất nhiều voi. Ông tập hợp chung quanh mình những Gru săn voi nức tiếng nhất như R’leo, Y Keo, Ama Kông… (họ là những người cháu, người chắt có tài săn bắt, thuần dưỡng voi rừng được Y Thu nhận nuôi dưỡng– những người này sau đó cũng được phong Vua voi) rồi chỉ huy họ vào rừng săn bắt, thuần dưỡng voi. Trên uy tín, quan hệ rộng, voi rừng sau khi được thuần dưỡng ông đem giao thương, trao đổi với các nước lân bang như Lào, Campuchia, Thái Lan, Mã Lai…Trong đó, Thái Lan là nước ông đặt mối quan hệ làm ăn thân thiết nhất.

Một lần săn được con voi trắng, Y Thu K’nul mang tặng nhà vua Thái Lan và được Vua Thái phong tặng danh hiệu Khunjunop – tức Người tướng chào. Ama Phương cắt nghĩa: Khun có nghĩa là Người, Ju là Tướng, Nop là chào. Không chỉ giàu có, uy tín, Khunjunop là tù trưởng vô cùng bao dung, thương người. Thời đó vẫn còn tồn tại tình trạng buôn bán nô lệ. Trên cương vị tù trưởng, Khunjunop tuyệt đối không cho bắt bán nô lệ sang nước khác; nếu có ai đó bị bắt bán, ông biết được sẽ đứng ra xin, hoặc tự bỏ tiền mua về nuôi rồi sau đó tha về. Theo luật tục ngày xưa, ai đó bị quy cho là “ma lai” thì lập tức bị cả làng kéo đến bắt, giết chết. Những trường hợp này Khunjunop cũng bỏ tiền ra mua nuôi, không cho giết; hoặc người phạm tội trộm cắp, nếu bắt được sẽ bị đem bán làm nô lệ để “trừ” vào đồ vật họ đã ăn cắp, ông cũng mua về nuôi rồi sau đó tha bổng.

Khi người Pháp xâm chiếm Đông Dương, vào Bản Đôn bắt người của ông đi lính, ông đã dùng ngà voi “thế” cho Pháp để người dân không bị bắt lính. Từ những việc làm này, ông được người dân Tây Nguyên hết sức kính trọng, tôn sùng; kể cả người Lào, Campuchia, Thái Lan hay người Pháp khi đặt quan hệ làm ăn đều nể phục. Bất kỳ dân thường, hay người có chức quyền khi đến nhà gặp Khunjunop, ngay từ ngoài cổng họ đã chắp tay cúi chào cho đến khi lên khỏi cầu thang; lúc ra về, họ cũng đi thụt lùi, chắp tay cúi chào từ cầu thang ra đến cổng thêm lần nữa để tỏ lòng tôn kính.Vì lẽ này, trong lần đem bạch tượng sang tặng nhà Vua Thái Lan, ông được nhà vua Thái mến gọi với cái tên Khunjunop – Người tướng chào

❀ NHỮNG CÂU CHUYỆN HUYỀN THOẠI

Khunjunop là người gốc M’nông, cha ruột tên Điểu Thét (sống ở vùng Dak Nông bây giờ), lấy mẹ là người Lào, tên Lào K’nul; ông còn có một cha nuôi người Lào, nên ông còn được gọi là người “một mẹ, hai cha”. Ông sinh ra và lớn lên tại vùng đất giáp Campuchia. Khi sinh Khunjunop, mẹ ông đau đẻ 3 ngày 3 đêm, theo phong tục, người nhà mổ heo, mổ gà cúng thần linh nhưng bà vẫn không sinh được. Cho đến đêm thứ 3, trong nhà bỗng nghe tiếng leng keng như chuông và xuất hiện bóng một con ngựa bay mấy vòng quanh nhà, lúc này bà mới sinh hạ được Khunjunop. Từ chuyện này, người trong gia đình, ai cũng tin rằng ông là con của thần linh, chứ không phải người thường.

Do hoàn cảnh đưa đẩy, Khunjunop đã tìm đến vùng đất Bản Đôn và trở thành người lập địa, khai sinh ra vùng đất “nhuốm đầy huyền thoại” với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng nức tiếng. Khunjunop cùng gia đình sống tại quê hương được một quãng thời gian thì xảy ra mâu thuẫn đánh nhau, mẹ ông cùng nhiều người nhà bị người buôn bên cạnh bắt nhốt vào trong hang đá. Khunjunop cùng 2 người cậu may mắn chạy thoát thân, đã tìm đến vùng đất ở Thác Bảy nhánh lánh nạn, sau đó tìm đến bà Ja Wầm (một tù trưởng giàu có ở vùng đất Cư M’gar thời bấy giờ) mượn người đi giải cứu mẹ. Đánh cho kẻ địch tơi bời, cứu được người, Khunjunop đưa cả gia đình về khu vực Thác Bảy nhánh sinh sống, lập buôn và đặt tên Bản Đôn (tức làng đảo, theo tiếng Lào).

Khunjunop chọn Thác Bảy nhánh để lập bản, bởi nơi đây đường đi lối lại hiểm trở, kẻ địch khó xâm nhập. Giữa các đảo ông cho làm cầu treo để thuận tiện đi lại. Trong một lần kẻ địch tìm đến trả thù, khi leo qua cầu treo, Khunjunop cho người chặt đứt dây khiến kẻ thù rơi xuống sông chết rất nhiều; từ đó khiếp sợ mà không dám tìm đến vùng Bản Đôn trả thù nữa; cuộc sống gia đình, buôn làng nhờ vậy được yên ổn. Dân số ngày một đông, Khunjunop bắt đầu cho ra ở riêng, cấp cho mỗi người một con voi để đi kéo gỗ, tự làm ăn, nhờ vậy đất đai được mở rộng trải dài từ buôn Tul đến Ea Súp. Sau ba lần phải chuyển buôn do bị hỏa hoạn, Bản Đôn được “yên vị” tại vùng đất trù phú, bên bờ sông Sêrêpôk thuộc buôn Trí A, xã Krông Na, Buôn Đôn ngày nay.

vua săn voi

Bức hình này rất quý, bởi được một người cháu tìm thấy tại một bảo tàng bên Pháp gửi về. Trong hình là hai vợ chồng Khunjunop, bức hình được chụp trong một lần người Pháp vào thăm Bản Đôn, tặng ông khẩu súng để tự bảo vệ, đồng thời tìm cách “dụ dỗ”, ngỏ ý muốn được xây dựng cơ sở đồn trú tại đây. Tuy nhiên, Khunjunop nhất mực từ chối, lập nhiều mưu mẹo để người Pháp không thể hiện diện trên đất Bản Đôn. Hàng đêm, Khunjunop cho thanh niên trong bản nấu nước sôi tưới vào các gốc cây, rau màu làm cho cây chết khô rồi nói với người Pháp: đất đai ở đây xấu lắm, nóng lắm, không làm thành phố được đâu, người Pháp ra ngoài Buôn Ma Thuột có đất tốt mà xây dựng! Và mãi đến khi ông qua đời, đến đời cháu là R’leo lên thay thế, người Pháp vẫn chỉ mới đặt quan hệ làm ăn, qua lại mà không thể đóng quân tại đây.

Thời đó, Khunjunop là người giàu có nhất Tây Nguyên, nhiều tiền đến nỗi ông phải cho xây một kho riêng để đựng tiền. Vào thời kỳ chiến tranh chống phát xít, người Pháp đã đến mượn tiền của Khunjunop để mua vũ khí đánh phát xít Đức. Giữa hai bên có ghi giấy mượn tiền, giấy này được ông bỏ vào một ống lồ ô gác trên mái nhà. “Giấy ghi nợ đó giờ không còn nữa, bởi trong lần buôn bị cháy, nhà ông cố ngoại cũng cháy theo, giấy ghi nợ gác trên mái nhà vì thế cháy mất.

      Mặc dù là “vua săn voi”, lại thọ đến 110 tuổi, nhưng Khun Ju Nốp lại không có con trai nối dõi. Sau khi chết, ông được các cháu ngoại tổ chức xây ngôi mộ bề thế nằm ở trung tâm nghĩa địa của các Gru. Khác với những ngôi mộ xung quanh, ngôi mộ của Khun Ju Nốp được xây rất lớn, nhưng lại không có họa tiết rườm rà cùng các bức tượng chim công, ngà voi sặc sỡ.

❀ NGÔI NHÀ CỔ CỦA "KHUN JU NỐP"

      Sinh thời, Khu Ju Nốp sống trong ngôi nhà sàn lớn nhất vùng bản Đôn, nằm ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ngôi nhà không phải do “vua săn voi” tự xây dựng mà là do ông mua lại của một người trong dòng họ. Trước đó, chủ cũ của ngôi nhà cũng mua lại của một nhà giàu có trong vùng. Vì vậy, trước khi “vua săn voi’ trở thành chủ sở hữu của ngôi nhà thì không ai biết là nó được xây dựng từ năm nào. Theo người già trong vùng, chỉ tính mốc từ khi Khun Ju Nốp là chủ sở hữu cho đến nay thì ngôi nhà đã có tuổi thọ khoảng 130 năm.

      Cũng theo già Ama Kông, ngôi nhà được Khun Ju Nốp mua với giá “bằng 12 con voi đực có cặp ngà lớn”. Sau khi làm chủ ngôi nhà, “vua săn voi’ đã làm lễ cúng tốn hết 22 con trâu đực lớn, hàng chục con heo, hàng trăm ché rượu cần… Nguyên bản ngôi nhà gồm 3 gian, được làm hoàn toàn bằng gỗ quý. Khác với nhà dài truyền thống của người ÊĐê, M’nông trong vùng, ngôi nhà cổ này có tới 3 mái nhọn, mỗi gian có một mái riêng. Để lợp phần mái, người ta đã phải công phu đẽo hàng chục nghìn miếng gỗ cà chít để làm vật liệu lợp. Tính ra, chỉ riêng phầ mái đã tiêu tốn khoảng 10m3 gỗ cà chít (một loại gỗ quý).

      Sau khi Khun Ju Nốp qua đời, ngôi nhà được giao lại cho Ama Kông, cháu ngoại của “vua săn voi”. Ama Kông cũng là một Gru nổi tiếng, chỉ xếp sau Khun Ju Nốp. Ama Kông từng săn được 298 con voi và là người có số voi săn nhiều chỉ thua Khun Ju Nốp. Năm 1954, ngôi nhà bị cây me lớn bên hiên đổ xuống đè sập mất một gian và đến nay những người trong gia đình Ama Kông vẫn chưa có điều kiện tu sửa lại nên nó được giữ nguyên hiện trạng. Hiện ngôi nhà là là một điểm du lịch thuộc Trung tâm du lịch sinh thái văn hóa Bản Đôn. Trong nhà treo nhiều hình ảnh của Ama Kông thời trai trẻ trong những chuyến săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Kỷ vật còn lại duy nhất của “vua săn voi” – Khun Ju Nốp là chiếc mâm đồng.

di vật vua săn voi

Tương truyền đây là chiếc mâm mà Khun Ju Nốp thường dùng để cúng voi khi ông sang lào để săn voi. Nó được con cháu “vua săn voi” tìm kiếm và đưa về Việt nam năm 1959.